Top 8 bài giới thiệu về một danh lam thắng cảnh ở quê hương em

Top 8 bài giới thiệu về một danh lam thắng cảnh ở quê hương em

Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh ở quê hương em – Có thể nói, trải dài theo dải đất hình chữ S có biết bao danh lam thắng cảnh đẹp tiêu biểu cho mỗi miền quê trên đất nước Việt Nam. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ các bài văn mẫu giới thiệu về một danh lam thắng cảnh giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các di tích lịch sử, địa điểm thăm quan nổi tiếng trên cả nước. Từ đó thêm yêu mến các miền đất của tổ quốc ta.

1. Dàn ý giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em

1) Mở bài:

Giới thiệu về danh lam thắng cảnh mà em dự định sẽ thuyết minh.

2) Thân bài.

Giới thiệu nguồn gốc của khu di tích: Có từ bao giờ, ai phát hiện ra? đã kiến tạo lại bao giờ chưa?

Giới thiệu vị trí địa lí, đặc điểm bên ngoài (nhìn từ xa hoặc nhìn từ trên).

Trình bày về đặc điểm của từng bộ phận của khu di tích: Kiến trúc, ý nghĩa, các đặc điểm tự nhiên khác thú vị, độc đáo,…

Danh lam thắng cảnh của quê hương bạn đã đóng góp như thế nào cho nền văn hoá của dân tộc và cho sự phát triển nói chung của đất nước trong hiện tại cũng như trong tương lai (làm đẹp cảnh quan đất nước, mang lại ý nghĩa về giáo dục, ý nghĩa tinh thần, mang lại giá trị vật chất,…).

3) Kết bài: Khẳng định lại vẻ đẹp nhiều mặt của danh lam thắng cảnh đó.

2. Dàn ý thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở quê em – Gành Đá Đĩa

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào danh lam thắng cảnh ở Phú Yên: Gành Đá Đĩa.

2. Thân bài

a. Khái quát chung về Gành Đá Đĩa

Ghềnh Đá Đĩa (hay còn gọi là gành Đá Đĩa) thuộc địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Từ thành phố Tuy Hòa, xuôi theo quốc lộ 1A về hướng bắc khoảng 30km, sau đó đến thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) rẽ phải về hướng đông khoảng 12km, du khách sẽ đến ghềnh Đá Đĩa.

Với vẻ đẹp tự nhiên và cấu trúc độc đáo, đây được xem là kiệt tác của đá mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất này, trở thành viên ngọc quý của du lịch Phú Yên.

Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa đã được Nhà nước cấp chứng nhận danh thắng cấp quốc gia và được tỉnh Phú Yên đưa vào khai thác du lịch.

b. Thuyết minh chi tiết

Với chiều rộng hơn 50m và dài khoảng 200m, nhìn từ xa, ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ, ánh lên màu đen huyền bí nổi bật giữa một vùng trời biển trong xanh.

Hàng chục nghìn cột đá có tiết diện hình lục giác, hình vuông hoặc hình tròn, lớp nọ xếp nối lên lớp kia, liền khít nhau như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Có những chỗ đá xếp cao và thẳng, có chỗ lại xếp trải dài hoặc nghiêng, trông như chồng bát đĩa.

c. Vai trò, ý nghĩa của Gành Đá Đĩa đối với con người

Từ lâu, Gành Đá Dĩa đã trở thành niềm tự hào của người dân Phú Yên. Hình ảnh gành đá trở thành biểu tượng của đức kiên trì, lòng kiên trung, sừng sững kiêu ngạo giữa đất trời thách thức dòng thời gian khắc nghiệt phai mòn.

Gành Đá Dĩa là một trong những địa điểm du lịch, mang lại nguồn kinh tế lớn của tỉnh Phú Yên.

Năm 1998, Nhà nước Việt Nam công nhận Ghềnh Đá Dĩa là thắng cảnh thiên nhiên cấp quốc gia, khẳng định giá trị của địa danh này trong bản đồ du lịch Việt Nam.

3. Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa của Gành Đá Đĩa đối với người dân Phú Yên nói riêng và đối với nước nhà nói chung.

3. Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh ở Hà Nội – Hồ Gươm

“Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng toả mát hương hoa thơm Thủ đô…”. Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến hình ảnh Hồ Gươm trong xanh và bóng Tháp Rùa nghiêng nghiêng soi dáng. Hồ Gươm cùng quần thể kiến trúc của nó đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ và thiêng liêng về Hà Nội – trái tim hồng của cả nước.

Hồ Gươm đã tồn tại từ rất lâu. Cách đây khoảng 6 thế kỷ, theo những địa danh hiện nay, hồ gồm hai phần chạy dài từ phố Hàng Đào, qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt tới phố Hàng Chuối, thông với sông Hồng. Nước hồ quanh năm xanh biếc nên hồ Gươm cũng được gọi là hồ Lục Thuỷ.

Vào thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm. Sự kiện ấy gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho Rùa Vàng của vị vua khai triều nhà Hậu Lê – người anh hùng của khởi nghĩa Lam Sơn chống lại giặc Minh (1417 – 1427), Lê Lợi. Truyền thuyết kể rằng khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, có người dân mò được một lưỡi gươm, sau đó chính ông nhặt được một cái chuôi ở trong rừng. Khi lưỡi gắn vào chuôi gươm thì thân gươm ánh lên hai chữ “Thuận Thiên” – “Thuận theo ý trời”. Gươm báu này đã theo Lê Lợi trong suốt thời gian kháng chiến chống giặc Minh. Khi lên ngôi về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thuỷ, bỗng một con rùa xuất hiện. Rùa vươn đầu cất tiếng nói: “Xin bệ hạ hãy hoàn lại gươm cho Long Quân”. Lê Thái Tổ hiểu ra sự việc bèn rút gươm khỏi vỏ, giơ gươm ra thì gươm bay về phía con rùa. Rùa ngậm gươm lặn xuống đáy hồ, và từ đó hồ Lục Thuỷ có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay hồ Gươm. Chính truyền thuyết đặc sắc này đã khẳng định tấm lòng yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh của người dân Thăng Long – Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Câu chuyện này đã được nhấn mạnh trong ngày lễ Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”

Sau đó, cũng vào thời Lê, hồ còn được dùng làm nơi tập luyện của thuỷ quân nên có lúc được gọi là hồ Thuỷ Quân.

Hồ Hoàn Kiếm là một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây cảnh. Đó là những hàng liễu rủ thướt tha, những nhành lộc vừng nghiêng nghiêng đổ hoa soi bóng dưới lòng hồ. Giữa hồ có tháp Rùa, cạnh hồ có đền Ngọc Sơn có “Đài Nghiên Tháp Bút chưa sờn”… Hình ảnh hồ Gươm lung linh giống như một tấm gương xinh đẹp giữa lòng thành phố đã đi vào lòng nhiều người dân Hà Nội. Người dân Hà Nội sống ở khu vực quanh hồ có thói quen ra đây tập thể dục vào sáng sớm, đặc biệt là vào mùa hè. Họ gọi các khu phố nằm quanh hồ là Bờ Hồ.

Không phải là hồ nước lớn nhất trong Thủ đô, song với nguồn gốc đặc biệt, hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Hồ nằm ở trung tâm một quận với những khu phố cổ chật hẹp, đã mở ra một khoảng không đủ rộng cho những sinh hoạt văn hóa bản địa. Hồ có nhiều cảnh đẹp. Và hơn thế, hồ gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh). Do vậy, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm nền tảng cho các tác phẩm của mình. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết:

“Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao”

Và như thế, Hồ Gươm sẽ mãi sống trong tiềm thức mỗi người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung như một biểu tượng thiêng liêng về lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc.

Bạn sẽ quan tâm  Top 5 bài phân tích nhân vật Đăm Săn siêu hay

4. Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh ở Huế

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương”

Nhắc đến Huế, người ta nghĩ ngay đến nhiều địa danh nổi tiếng như: cung đình Huế, núi Ngự Bình,….. Trong số đó phải kể đến chùa Thiên Mụ, ngôi chùa được mệnh danh là ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong.

Chùa Thiên Mụ mang nét cổ xưa, trầm lắng nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km về phía tây, được khởi lập năm Tân Sửu (1601), có từ đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng -vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Nơi đây gắn liền với một truyền thuyết rằng xưa kia khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét hình thế núi sông để mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn thì thấy trên cánh đồng của xã Hà Khê thuộc huyện Hương Trà (nay là ngoại ô thành phố Huế), giữa khu đất bằng phẳng nổi lên một gò cao, trông tựa như hình đầu rồng đang ngoái nhìn lại, phía trước thì có sông lớn (chỉ sông Hương), phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp. Chúa hỏi người dân địa phương thì được biết nơi đây cứ vào ban đêm xuất hiện một bà già mặc áo đỏ, quần xanh ngồi trên một gò đất nói rằng sẽ có một vị chân chúa đến xây dựng chùa để tụ khí thiêng, giữ long mạch. Chính từ truyền thuyết này mà gò đất kia được người dân đặt tên là gò Thiên Mụ, ngôi chùa sau đó vào năm 1601 được xây dựng trên đồi chính là chùa Thiên Mụ ngày nay.

Làm nên nét đẹp của chùa Thiên Mụ phải kể đến kiến trúc đặc sắc, cổ kính ở nơi đây. Dưới thời chúa Quốc, trong giai đoạn Phật giáo xứ đàng Trong vô cùng phát triển và hưng thịnh, chùa được xây dựng lại quy mô hơn. Năm 1710, chùa được chúa Quốc cho đúc một chiếc chuông lớn,nặng tới trên hai tấn, gọi là Đại Hồng Chung, có khắc một bài minh trên đó. Đến năm 1714, chúa Quốc lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền… tuy nhiên nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa. Chúa Quốc còn đích thân viết bài văn,khắc vào bia lớn (cao 2m60,rộng 1m2) nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây,việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm – người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn. Năm 1844, nhân dịp mừng lễ “bát thọ” của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm một ngôi tháp bát giác gọi là Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi lại việc dựng tháp, đình và các bài thơ văn của nhà vua. Trong đó phải kể đến tháp Phước Duyên _ biểu tượng nổi tiếng của chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21 m, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện, trên nóc đặt Pháp luân. Tuy vậy, sau trận bão năm 1904, tháp bị tàn phá nặng nề, nhiều công trình không còn nguyên vẹn như đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn. Dù đã được xây dựng lại vào năm 1907 nhưng chùa không còn được to lớn như trước. Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô – di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời.

Ngoài ra, chùa Thiên Mụ còn có những giá trị đặc sắc như giá trị về lịch sử, là chứng nhân của lịch sử khi chứng kiến biết bao những sự đổi thay, biến động lớn của lịch sử của ba triều đại cuối cùng Việt Nam, cung cấp những tài liệu nghiên cứu cho các nhà sử học. Nơi đây còn mang những nét đẹp của đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam thời xưa, có giá trị du lịch cao thu hút nhiều bước chân của du khách tứ phương tới đây tham quan, thắp hương cầu may.

Chùa Thiên Mụ đã và đang giữ một vị thế không hề nhỏ đối với Việt Nam, lưu giữ những giá trị lâu đời, là niềm tự hào của biết bao người dân xứ Đàng Trong cũng như bao người con đất Việt.

Qua những bài văn mẫu với đề tài thuyết minh về chùa Thiên Mụ đã cung cấp thêm cho chúng ta những kiến thức về một công trình, một di tích chứng nhân lịch sử qua bao thế hệ. Những nét đẹp tâm linh đi sâu vào trong văn hóa của thời đại trước và được lưu giữ phát triển cho đến nay.

5. Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh: động Phong Nha

Cứ mỗi khi nhắc tới những địa điểm du lịch ở nước ta, người ta lại nghĩ đến Vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, Phan Thiết,… nhưng một trong những địa danh nổi tiếng ấy không thể thiếu động Phong Nha – di sản văn hóa thế giới. Sự kì ảo của động Phong Nha đã đem lại cho du khách cảm giác thích thú như được lạc vào thế giới thần tiên. Động Phong Nha là một quà tặng của thiên nhiên dành cho đất nước ta.

Động Phong Nha nằm trong vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, một vườn quốc gia tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía Nam. Phong Nha – Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000ha. Vườn quốc gia bao gồm 300 hang động lớn nhỏ khác nhau. Điểm đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động và các sông ngầm, hệ thống động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ Thế giới. Các hang động ở đây với tổng chiều dài là khoảng hơn 80km nhưng các nhà thám hiểm Anh và Việt Nam mới chỉ tìm hiểu được 20km. Vào tháng 4 năm 2009, một đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hoàng gia Anh đã phát hiện ra một hang động khác lớn hơn rất nhiều động Phong Nha nhưng động Phong Nha vẫn là hang động giữ nhiều kỉ lục về cái “nhất”: hang nước dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, đá rộng và đẹp nhất; hồ ngầm đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất; dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam; hang khô rộng và đẹp nhất thế giới.

Trước đó, khi Phong Nha – Kẻ Bàng chưa phải là vườn quốc gia, khu vực này là khu vực bảo tồn thiên nhiên, từ ngày 9 tháng 8 năm 1986 được mở rộng thêm diện tích là 41132ha. Mãi đến ngày 12 tháng 12 năm 2001, thủ trướng chính phủ đã ra nghị quyết chuyển khu bảo tồn thiên nhiên này thành vườn đa quốc gia và có tên gọi như hiện nay.

Bạn sẽ quan tâm  Top 7 bài thuyết minh về tác phẩm Bình Ngô đại cáo hay nhất

Quá trình hình thành hang động là một quá trình khá lâu dài. Từ những kiến tạo địa chất xảy ra trong lòng dãy núi đá vôi Kẻ Bàng vào thời kì Đại cổ sinh đã làm thay đổi hoàn toàn về địa chất nơi đây. Sự tác động của nội lực bên trong lòng trái đất và ngoại lực đã tạo ra vẻ đẹp kì bí rất riêng của động Phong Nha. Hệ thống đứt gãy chằng chịt trên mặt đá vôi đã tạo điều kiện cho nước dễ thấm vào các khối đá vôi. Sự xâm thực đã gặm mòn, hòa tan, rửa trôi đá vôi trong hàng triệu năm. Qua đó nó đã tạo nên một hang động ăn sâu trong núi đá vôi.

Động Phong Nha bao gồm động khô và động nước, nổi bật nhất trong các động khô là động Tiên Sơn. Động Tiên Sơn có chiều dài 980m. Từ cửa động đi vào khoảng 400m có một vực sâu khoảng 10m và sau đó là động đá ngầm dài gần 500m khá nguy hiểm. Du khách đến tham quan, để đảm bảo an toàn chỉ được đi sâu vào 400m tính từ cửa động. Động Thiên Sơn là nơi có cảnh thạch nhũ và những phiến đá kì vĩ huyền ảo. Các âm thanh phát ra từ các phiến đá, khi được gõ vào vọng như tiếng cồng chiêng. Theo các nhà khoa học thuộc Hội hang động Hoàng gia Anh, động này được kiến tạo cách đây hàng chục triệu năm, khi một dòng nước chảy qua quả núi đã đục rỗng, bào mòn núi đá vôi Kẻ Bàng. Sau đó, do địa chất thay đổi, khối đá vôi đổ sụp, chặn dòng chảy và làm nên động khô Tiên Sơn. Còn hệ thống động nước nổi bật nhất là động Phong Nha. Tạo hóa đã dựng nên những khối thạch nhũ đủ màu sắc với những hình dạng khác nhau. Vẻ kì ảo ấy khiến ai đến tham qua cũng trầm trồ khen ngợi. Động Phong Nha dài 7729m. Hang có chiều dài dài nhất của động là 145m. Động Phong Nha còn được mệnh danh là Thủy Tề Tiên vì nơi đây những cột đá, thạch nhũ như mang một phong thái rất khác nhau. Tiếng nước vỗ vào đá vang vọng thật xa. Động Phong Nha đẹp như một bức tranh thủy mạc mà nhiều hang động khác phải ngưỡng mộ.

Động Phong Nha ngoài có giá trị về du lịch nó còn là một di chỉ khảo cổ. Những nhà thám hiểm và người dân nơi đây đã phát hiện ra nhiều chữ khắc trên đá của người xưa, gạch, tượng đá, tượng phật, mảnh gốm và nhiều bài vị tại đây. Ở động Phong Nha người ta đã phát hiện nhiều mảnh than và miệng bình gốm có tráng men của Chàm và các đồ gốm thô sơ khác. Động Phong Nha còn là nơi vua Hàm Nghi trú ngụ trong thời kì thực hiện chiếu Cần Vương kháng chiến chống Pháp.

Động Phong Nha – hang động tạo nên niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam. Nó là bằng chứng cho sự ưu đãi của thiên nhiên nước ta. Động Phong Nha đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ai đã từng đến động đều nhớ mãi sự kì diệu mà động mang lại từ vẻ đẹp thuần túy thiên nhiên.

6. Thuyết minh về chợ nổi Cái Răng

Trên dải đất hình chữ S, nhắc đến chợ nổi hẳn ai cũng nghĩ đến một vùng đất miền Tây thân thương, trìu mến. Đó không chỉ là một không gian sinh họa mang nét đặc trưng của một vùng miền mà còn là nơi hội tụ những hoạt động diễn ra trong cuộc sống hàn ngày. Nổi bật trong những chợ nổi đó, phải nhắc đến chợ nổi cái Răng ở thành phố Cần Thơ. Một chở nổi đặc sắc có quy mô lớn nhất ở Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung. Để hiểu nét văn hóa miền Tây đặc sắc như thế nào, xin mời các bạn tìm cùng tìm hiểu chợ nổi Cái Răng – nét đặc trưng vùng sông nước.

Được thành lập và phát triển hơn 100 năm nay từ đầu thế kỷ XX. Trải qua các thời từ Phong kiến, Pháp thuộc, Việt Nam Cộng Hòa… đến ngày nước nhà thống nhất.Chợ nổi Cái Răng đã trở thành nơi hội tụ của nhiều tàu thuyền cỡ lớn chuyên buôn về các mặt hàng nông sản tại Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung. Nhờ vị trí nằm trên trục đường sông thuận lợi của quận Cái Răng thành phố Cần Thơ. Nên Cái Răng không khó gì để phát triển và hội tụ một nên văn hóa sông nước độc đáo. Với đặc điểm chuyên giao thương về các mặt hàng trái cây, nông sản của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Chợ nổi Cái Răng là điểm giao dịch quan trọng của nhiều tàu bè của các tỉnh lân cận.

Theo một số người chia sẻ, tên gọi Cái Răng có nguồn gốc từ câu chuyện của những đầu thời khẩn hoang. Truyền thuyết nói về con cá sấu với thân hình rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này. Tuy nhiên, trong cuốn “Tự vị” tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển cho biết: Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer theo từ “karan” nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn) làm rất nhiều karan đi bán khắp nơi để phục vụ trong việc chế biến món ăn. Lâu dần, mọi người phát âm karan thành Cái Răng theo ngôn ngữ sinh hoạt của người Kinh tại đồng bằng.

Nhìn tổng quan về cái cà rang, hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi. Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: “Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm “karan” biến ra “Cái Răng” rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn.

Không giống như bao ngôi chợ khác trên đất liền. Hầu hết, các chợ nổi ở miền Tây đều bắt đầu tụ tập khi trời mờ sáng. Chợ nổi Cái Răng cũng vậy, chỉ tầm khoảng 3h sáng là đã hiện ra một không cảnh nhộp nhịp trong màng sương đêm. Từ mọi nơi, những chiếc tàu, thuyền, xuồng đã chở đầy ấp những mặt hàng trái cây đổ về đây. Tiếng máy ghe nổ ầm ì, tiếng nói cười hối hả của những thương lái… càng về sáng càng làm tăng thêm độ không khí nhộn nhịp.

Trên những phương tiện di chuyển của tàu thuyền, xuồng và các bè nổi trên sông Cái Răng. Đâu đâu cũng là sự hội tụ, trao đổi giữa người dân và các thương lai về các mặt hàng nông sản của mình. Sự náo nhiệt này có thể làm bất kỳ ai khi lần đầu đến với chợ nổi mà không thể hình thành một lý do để giải thích. Theo không gian, dù quay đầu đến khung cảnh nào hay hướng mắt quan sát về mọi phía. Chợ luôn mang đến sự nhộn nhịp kỳ lạ của những hàng quán ăn uống trên những chiếc thuyền cỡ nhỏ luôn di động trên sông. Đó là yếu tố khác lạ so với những chợ nổi trên bờ và là sự khách biệt rất khó nhầm lẫn với những khu chợ tại các vùng miền khác.

Có một điều đặc biệt rất thú vị trên khu chợ nổi này mà ai cũng tò mò. Đó là sự hiện diện của những cây bẹo. Mục đích xuất hiện của những cây bẹo này vừa vui nhưng cũng hết sức ý nghĩa. Điều này, đã trở thành một yếu tố quan trọng hình thành nên nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước. Nét đặc trưng này thể hiện rất đơn giản, đó là trên cây bẹo treo cái gì thì bán cái đó. Có cây cũng treo nhưng không bán hay treo cái này mà bán cái kia. Tại sao lại nói như vậy? Bởi lẻ, trên sông nước, thuyền bè lúc nào cũng bị bấp bên theo dòng chảy của con sông. Cho nên, những vật treo lên cây bẹo như: bưởi, xoài, chôm chôm, nhãn… là những mặt hàng được treo để rao bán. Còn như những đồ ăn thức uống như: cơm, hủ tiếu, bún… thì không treo được, vì nếu treo lên thì nó sẽ đổ. Đây là lý đo tại sao nói: treo cái này mà bán cái kia. Tuy nhiên, cũng từ các cây bẹo này, có những thứ treo lên mà người ta không bán, đó chính là quần áo. Điều này dễ hiểu hơn, vì quần áo được treo lên sau khi giặc dũ. Điểm đặc biệt hơn, có những cây bẹo treo những toàn lá dừa thì đố các bạn bán cái gì? Đó chính là bán ghe, tàu, hay thuyền. Tại sao lại như thế?

Bạn sẽ quan tâm  Theo em những hành vi nào sau đây thể hiện tính không liêm khiết? GDCD 8 trang 8

Theo văn hóa truyền thống của người miền Tây thì thế này. Lá dừa là một vật liệu lớp mái làm nhà, mà nhà là nơi an cư của con người. Chính vì vậy, khi treo lá dừa lên cây bẹo, đồng nghĩa là rao bán tổ ấm của mình đang sinh sống. Đây cũng là lý do để mọi người đều hiểu: Chợ nổi Cái Răng – nét đặc trưng vùng sông nước.

7. Thuyết minh về thành cổ Quảng Trị

Việt Nam ta có rất nhiều những danh lam thắng cảnh gắn liền với những sự kiện lịch sử, những giai đoạn thời kỳ đen tối khốc liệt của dân tộc. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến thành cổ Quảng Trị, nơi được mệnh danh là “ nghĩa trang không nấm mồ”.

Thành cổ Quảng Trị là một Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4, tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Theo sử cũ , thành được xây dựng dưới triều Nguyễn vào đầu thời Gia Long, thành Quảng Trị được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (tức vị trí ngày nay, thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị). Thành được dùng làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính, đến năm 1929 Pháp cho xây thêm nhà lao để giam cầm các những người có quan điểm chính trị đối lập. Nơi đây đã ghi lại dấu ấn của một cuộc chiến khốc liệt nhuộm màu bi thương giữa quân ta với Mỹ – Ngụy vào năm 1972 suốt 81 ngày đêm. Nguyên nhân diễn ra trận chiến này là sau khi quân giải phóng của ta đã chiếm được thành cổ Quảng Trị, Mỹ không chấp nhận được việc mất thành nên chúng muốn phát động cuộc chiến vừa để giành lại thành vừa để gây sức ép với nước ta trên Hội nghị Paris. Trong suốt 81 ngày đêm ấy, chúng xả xuống hơn 328.000 tấn bom đạn cùng với lực lượng quân đội tiến đánh với số lượng khổng lồ, thế nhưng điều đó không làm nhụt chí những người lính giải phóng quân ấy, họ mặc mưa bom bão đạn, tiến về phía trước với một niềm tin chiến thắng mãnh liệt với lý tưởng cao đẹp bảo vệ Tổ Quốc. Kết thúc cuộc chiến, chiến thắng nghiêng về quân ta nhưng lực lượng bên ta bị thiệt hại nặng nề, hơn 4000-10000 người lính đã gieo mình xuống đất, vì thế mà thành cổ trở thành vùng đất thiêng, “ cối xay thịt người” gợi nhắc người dân Việt Nam về sự kiện đẫm máu ấy, về nền hòa bình được tạo dựng ngày hôm nay được đánh đổi bằng biết bao xương máu của ông cha ta.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay, thành cổ Quảng Trị chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành. Ban đầu, thành cổ Quảng Trị được xây bằng đất nhưng đến 1839 dưới thời vua Minh Mạng, thành được xây lại bằng gạch, mang kiến trúc phòng thành. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là hơn 2.000 m, cao hơn 4 m, dưới chân dày hơn 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Thành trổ bốn cửa chính ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Kiến trúc của mỗi cổng thành xây bằng gạch, gồm hai tầng: tầng dưới là phần nền với bộ phận chính là cổng thành xây vòm cuốn theo kỹ thuật “bốn viên kê dọc, nêm giữa, đội khuôn”; tầng trên là một vọng lâu có kiến trúc độc đáo theo lối vọng lâu xây bằng gạch, mái cong, lợp ngói âm dương. Nội thành có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho việc ở và làm việc của các cơ quan công đường thuộc bộ máy hành chính của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, Hành cung là công trình trọng yếu, là nơi để Vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm.Ngoài những công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn còn lại như Hành cung, Dinh Tuần phủ, dinh Án sát, ngục thất, khám đường…, Thành cổ lại có thêm nhà lao, toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn… khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ.

Không chỉ mang nét đẹp cổ kính, trầm lặng mà bi thương, thành cổ Quảng Trị còn có giá trị lịch sử và chính trị vô cùng to lớn. Nơi đây là đại diện cho nét đặc trưng của kiến trúc cũng như lĩnh vực quân sự dưới triều Nguyễn, đồng thời mang ý nghĩa là một trung tâm hành chính, chính trị và văn hóa của một địa phương qua nhiều thời kỳ lịch sử, và là chứng nhân của lịch sử, chứng kiến thời kỳ suy thoái, đầy biến động của dân tộc _ triều Nguyễn, chứng kiến những sự khổ đau, đói nghèo của nhân dân dưới thời Pháp thuộc, thời đế quốc Mỹ xâm lăng, và chứng kiến tinh thần dũng cảm bất khuất của những người lính đã chiến đấu hết mình vì tổ quốc.

Có thể nói, thành cổ Quảng Trị là di tích lịch sử quan trọng với nhiều ý nghĩa và giá trị to lớn, là miền đất mà khi đặt chân đến đây, lắng nghe câu chuyện lịch sử, có lẽ ai cũng không thể kìm được cảm xúc bồi hồi, tiếc thương cho những “ người hùng vô danh” đã gieo mình xuống nơi đây, mãi mãi không thể trở về quê hương, gia đình. Nơi đây đã trở thành điểm đến nổi tiếng của nhiều du khách tứ phương và người dân bản địa và được bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy.

8. Đoạn văn giới thiệu về 1 danh lam thắng cảnh

Thành phố Quảng Ninh là nơi em sinh ra và lớn lên. Nơi đây đã được thiên nhiên ban tặng cho những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, một trong số đó là Vịnh Hạ Long. Để di chuyển ra vịnh, chúng ta cần phải đi thuyền – đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị. Càng đi vào sâu trong lòng vịnh càng có cảm giác nước trong vịnh là một khối ngọc bích nhưng mềm mại uyển chuyển. Nhìn bốn bề thấy mênh mang là sóng nước hiền hòa. Xa xa, cây cầu treo Bãi Cháy nổi tiếng trông như một bàn tay xinh xắn đang vẫy chào du khách. Mỗi hòn đảo mang một hình dáng kì lạ. Tên mỗi hòn đảo lại được đặt theo hình dáng mà người ta tưởng tượng về hòn đảo đó, nào là hòn Trống Mái, đảo Con Gà, nào là hang Đầu Gỗ… Thật thú vị biết bao! Hiện nay, Vịnh Hạ Long chính là một trong những địa điểm du lịch hàng đầu của cả nước. Em cảm thấy rất yêu mến và tự hào về quê hương của mình.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của EMG Online.

Bài viết liên quan

Top 6 bài phân tích Tây Tiến của Quang Dũng hay nhất
Top 5 bài Phân tích Chữ người tử tù đầy đủ và chọn lọc
Top 10 Bài Cảm nghĩ về tình bạn hay nhất
Top 4 bài cảm nhận về bài thơ Tây Tiến hay chọn lọc
Top 5 mẫu phân tích nhân vật Tấm hay nhất
Top 4 bài phân tích truyện Tấm Cám đầy đủ và chọn lọc
Top 4 bài phân tích hình tượng người lính Tây Tiến chọn lọc
Top 8 mẫu phân tích nhân vật ông Hai hay nhất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *