Unicorn là gì? Lý do đằng sau sự phát triển mạnh mẽ của các “kỳ lân” khởi nghiệp trên thế giới

Unicorn nghĩa là gì?

Unicorn là thuật ngữ khá phổ biến trong giới startup. Vậy unicorn là gì? Tại sao unicorn lại trở thành biểu tượng của của các doanh nghiệp startup xuất sắc? Tiêu chí để có được danh hiệu này là gì? Tất cả những thắc mắc về unicorn là gì sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết này. 

Unicorn nghĩa là gì?

Trong văn hóa châu Âu, Unicorn hay Kỳ lân là một sinh vật thần thoại với hình dáng như một con ngựa trắng cùng một sừng trên trán có hoặc không có hai cánh. Trong những câu chuyện về unicorn, loài vật này luôn được biết đến bởi sự kiên cường, mưu trí, không sợ hãi và vô cùng dũng cảm. Do vậy, cũng không khó hiểu khi unicorn trở thành nguồn cảm hứng và là biểu tượng của những doanh nghiệp xuất sắc trong giới khởi nghiệp.

Unicorn nghĩa là gì?

Unicorn là gì? Tại sao unicorn lại trở thành biểu tượng của giới startup? (Ảnh: Twitter)

Ngoài ra, Unicorn còn được sử dụng để đề cập đến một hiện tượng tuyển dụng trong lĩnh vực nhân sự (HR). Các nhà quản lý nhân sự đặt ra kỳ vọng cao để lấp đầy một vị trí, khiến họ phải tìm kiếm những ứng viên có trình độ chuyên môn cao hơn yêu cầu cho vị trí đó. Về bản chất, những nhà quản lý này đang tìm kiếm một “kỳ lân” nhưng điều này đã phá vỡ cơ hội hợp tác với những ứng viên thực tế sẵn có.

Ví dụ: một công ty quy mô vừa có thể muốn tìm và thuê một người có chuyên môn về viết lách, bán hàng, tiếp thị, truyền thông xã hội và quản lý, cũng như thông thạo hai ngoại ngữ. Mặc dù việc thuê một ứng viên với tất cả những tài năng đó thay vì nhiều nhân viên để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau có thể mang lại hiệu quả về mặt chi phí cũng như quản lý, nhưng tất cả những nhiệm vụ và trách nhiệm này sẽ là quá sức đối với một nhân viên mới và khó có thể đạt được mục tiêu mong muốn.

Startup Unicorn là gì?

Trong ngành đầu tư mạo hiểm, startup unicorn là những công ty khởi nghiệp đạt mức định giá từ 1 tỷ đô la trở lên.

Thuật ngữ này được đặt ra lần đầu tiên bởi Aileen Lee, một nhà đầu tư mạo hiểm đồng thời là người sáng lập công ty Cowboy, trong một bài báo được viết vào năm 2013. Tại đây, bà đã xem xét các công ty khởi nghiệp phần mềm được thành lập vào những năm 2000 và ước tính rằng chỉ 0.07% trong số đó đạt mức định giá 1 tỷ USD. Vì việc tìm kiếm các startup đạt được mức định giá này cũng khó khăn như tìm một con kỳ lân trong thần thoại, từ đó unicorn được sử dụng để mô tả sự hiếm hoi của những công ty như vậy.

Kể từ khi bài báo của Lee được xuất bản, thuật ngữ này đã được sử dụng rộng rãi để chỉ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, công nghệ di động và công nghệ thông tin hoặc liên quan đến cả ba lĩnh vực trên với mức định giá rất cao.

Unicorn hiếm, nhưng decacorns – công ty khởi nghiệp với giá trị 10 tỷ đô la – còn hiếm hơn. Và chỉ có một số ít haocorns – startup trị giá hơn 100 tỷ đô la, đã từng tồn tại. Chẳng hạn như Google và Facebook, cả hai đều đã vượt qua 100 tỷ USD giá trị trước khi phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Trong bài báo đầu tiên của mình, Aileen Lee gọi những công ty này là ‘siêu kỳ lân’.

>> Có thể bạn quan tâm: Startup là gì

Tại sao lại là ngưỡng 1 tỷ USD?

Tại sao những người sở hữu cổ phiếu lại phát cuồng về “kết quả hàng tỷ đô la”? Bởi vì các nhà đầu tư lớn luôn thúc đẩy doanh thu từ quyền sở hữu của họ trong một số công ty, sau đó đầu tư trở lại vào một nhóm nhiều doanh nghiệp mới đầy triển vọng.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư truyền thống đã mở rộng quy mô, đòi hỏi nhiều “lối thoát” đáng kể hơn để tạo ra lợi nhuận thỏa đáng. Ví dụ, để trả lại khoản đầu tư mạo hiểm 400 triệu đô la, họ có thể yêu cầu sở hữu 20% cổ phần của hai doanh nghiệp trị giá 1 tỷ đô la khác nhau hoặc 20% cổ phần của doanh nghiệp trị giá 2 tỷ đô la khi công ty được mua lại hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán.

Bạn sẽ quan tâm  Chiến lược Marketing của Vietravel – Ông lớn của ngành du lịch Việt Nam

Theo Aileen Lee, có một sự khác biệt tâm lý mạnh mẽ trong nhận thức về một công ty khi nó đạt đến trạng thái unicorn: “Một tỷ luôn tốt hơn 800 triệu đô la vì đó là ngưỡng tâm lý quan trọng đối với khách hàng tiềm năng, nhân viên và báo chí”.

Lý do đằng sau sự phát triển nhanh chóng của Unicorn?

Chiến lược phát triển nhanh

Theo các nhà nghiên cứu, vào năm 2007 các nhà đầu tư và công ty đầu tư mạo hiểm đang áp dụng chiến lược nhanh (GBF) cho các công ty khởi nghiệp, còn được gọi là Blitzscaling. GBF là chiến lược mà một công ty khởi nghiệp cố gắng mở rộng với tốc độ cao thông qua các vòng gọi vốn lớn và cắt giảm giá để đạt được lợi thế về thị phần và đẩy lùi các đối thủ cạnh tranh càng nhanh càng tốt. Lợi nhuận nhanh chóng theo cấp số nhân thông qua chiến lược này tạo nên sự hấp dẫn đối với tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, luôn có lưu ý cảnh báo về hiện tượng bong bóng kinh tế và sự thiếu bền vững lâu dài trong việc tạo ra giá trị của các công ty ra đời từ thời đại Internet.

Công ty mua lại 

Nhiều unicorn được tạo ra thông qua việc mua lại từ các công ty đại chúng lớn. Trong một môi trường lãi suất thấp và tăng trưởng chậm, nhiều công ty như Apple, Facebook hay Google thường hướng đến việc mua lại thay vì tập trung vào chi tiêu vốn và phát triển các dự án đầu tư nội bộ. Tương tự, một số công ty lớn có xu hướng thúc đẩy doanh nghiệp của họ thông qua việc mua lại công nghệ và mô hình kinh doanh đã có sẵn hơn là tự tạo ra nó.

Tăng vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân

Tuổi trung bình của một công ty công nghệ trước khi cổ phần hóa là 11 năm, so với tuổi thọ trung bình 4 năm vào năm 1999. Kết quả này bắt nguồn từ việc tăng lượng vốn tư nhân dành cho các unicorn và Đạo luật Khởi động Doanh nghiệp Khởi nghiệp (JOBS) được thông qua tại Hoa Kỳ vào năm 2012, làm tăng số lượng cổ đông mà một công ty có thể có lên gấp bốn lần trước khi công ty công khai tài chính. Lượng vốn tư nhân đầu tư vào các công ty phần mềm đã tăng gấp ba lần từ năm 2013 đến năm 2015.

Ngăn chặn IPO

Thông qua nhiều vòng gọi vốn, các công ty không cần phải thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để thu được vốn hoặc định giá cao hơn; họ có thể quay lại với các nhà đầu tư của mình để có thêm vốn. IPO cũng có nguy cơ làm mất giá trị công ty nếu thị trường đại chúng cho rằng công ty có giá trị thấp hơn so với định giá của các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư và các công ty khởi nghiệp cũng không muốn đối phó với những rắc rối khi niêm yết cổ phiếu do các quy định gia tăng. Các quy định như Đạo luật Sarbanes – Oxley đã thực hiện các quy định nghiêm ngặt hơn sau một số trường hợp phá sản ở thị trường Hoa Kỳ. Điều nhiều công ty trong số này muốn tránh.

Tiến bộ công nghệ

Các công ty khởi nghiệp đang tận dụng làn sóng công nghệ mới của thập kỷ trước để đạt được trạng thái Unicorn. Với sự bùng nổ của phương tiện truyền thông xã hội và khả năng tiếp cận hàng triệu người sử dụng công nghệ này, các công ty khởi nghiệp có khả năng mở rộng kinh doanh nhanh hơn bao giờ hết. Những cải tiến mới trong công nghệ bao gồm smartphone, nền tảng P2P và điện toán đám mây cùng với sự kết hợp của các ứng dụng truyền thông xã hội đã hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ của các kỳ lân.

Định giá Unicorn

Giá trị của unicorn thường dựa trên cơ hội tăng trưởng và sự phát triển dự kiến trong dài hạn đối với thị trường tiềm năng của startup đó. Việc định giá unicorn thường đến từ các vòng tài trợ của các công ty đầu tư mạo hiểm lớn vào các công ty mới thành lập này. Điều này có nghĩa là định giá của các startup không liên quan gì đến cách họ hoạt động tài chính. Thực tế, nhiều công ty trong số này hiếm khi tạo ra lợi nhuận ngay khi mới hoạt động.

Bạn sẽ quan tâm  Khởi nghiệp tinh gọn là gì? 3 cuốn sách khởi nghiệp tinh gọn bạn cần biết

Một định giá cuối cùng quan trọng khác đối với các công ty khởi nghiệp là khi được một công ty quy mô lớn mua lại và đưa ra mức định giá đó. Ví dụ gần đây là khi Unilever mua Dollar Shave Club và Facebook mua Instagram với giá 1 tỷ đô la đã biến Dollar Shave Club và Instagram thành kỳ lân một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Định giá Unicorn

Cách định giá unicorn là gì? Định giá unicorn phải dựa trên nhiều yếu tố như cơ hội tăng trưởng (Ảnh: Internet)

Để đưa ra mức định giá cho các công ty tăng trưởng cao trong các vòng tài trợ, các công ty đầu tư mạo hiểm phải đánh giá chính xác tiềm năng và cơ hội mà quyết định đầu tư này mang lại.

Định cỡ thị trường

Để đánh giá tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của một công ty, cần phải có một phân tích sâu sắc về thị trường mục tiêu. Khi một công ty hoặc nhà đầu tư xác định quy mô thị trường của mình, cần xem xét một số bước sau để tìm ra quy mô thị trường thực sự:

  • Xác định phân khúc của thị trường (không công ty nào có thể nhắm mục tiêu 100% thị phần, còn được gọi là độc quyền )
  • Định cỡ thị trường từ trên xuống
  • Phân tích từ dưới lên
  • Phân tích đối thủ cạnh tranh

Sau khi thị trường được ước tính một cách hợp lý, một dự báo tài chính có thể được đưa ra dựa trên quy mô của thị trường và mức độ mà một công ty có thể phát triển trong một khoảng thời gian nhất định.

Ước tính tài chính

Để đánh giá đúng mức giá trị của một công ty sau khi hoàn thành dự báo doanh thu, cần phải hoàn thành dự báo về tỷ suất lợi nhuận hoạt động, phân tích các khoản đầu tư vốn cần thiết và lợi nhuận trên vốn đầu tư để đánh giá mức tăng trưởng và lợi nhuận tiềm năng cho các nhà đầu tư của một công ty. Các giả định về nơi công ty có thể phát triển cần phải thực tế, đặc biệt nếu muốn các công ty đầu tư mạo hiểm đưa ra mức định giá mà công ty mong đợi. Các nhà đầu tư mạo hiểm biết rằng khoản thanh toán cho khoản đầu tư của họ sẽ không thành hiện thực trong 5 đến 10 năm nữa và họ muốn đảm bảo ngay từ đầu rằng các dự báo tài chính là thực tế.

Đánh giá thực tế

Với những dự báo tài chính được đưa ra, nhà đầu tư cần biết công ty nên được định giá như thế nào trong thời điểm hiện tại. Đây là lúc các phương pháp định giá được thiết lập để trở nên phù hợp hơn.

Ba phương pháp định giá phổ biến nhất bao gồm:

  • Phân tích dòng tiền chiết khấu
  • Phương pháp so sánh thị trường
  • Các giao dịch có thể so sánh được

Các nhà đầu tư có thể đưa ra định giá cuối cùng từ các phương pháp này và số vốn họ cung cấp cho một tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong một công ty sẽ trở thành định giá cuối cùng cho một startup. Tài chính của đối thủ cạnh tranh và các giao dịch trong quá khứ cũng đóng góp một phần quan trọng trong cơ sở để định giá một công ty khởi nghiệp và tìm ra mức định giá chính xác cho các công ty này.

Đặc tính của những doanh nghiệp unicorn

Sau khi đã hiểu rõ Unicorn là gì, hãy cùng tìm hiểu một số điểm thường thấy của những unicorn trên:

Đổi mới đột phá

Hầu hết, các startup unicorn đều mang đến sự đột phá trong lĩnh vực mà họ hoạt động. Ví dụ, Uber thay đổi cách mọi người đi lại, Airbnb thay đổi cách mọi người lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của họ khi đi du lịch và Snapchat làm thay đổi cách mọi người sử dụng mạng xã hội,…

Người ‘đầu tiên’

Có thể thấy rằng phần lớn unicorn là những người khởi đầu trong ngành của họ. Họ thay đổi cách làm của mọi người và dần dần tạo ra nhu cầu cần thiết cho bản thân. Họ luôn đổi mới và đi trước đối thủ cạnh tranh để tạo đà bùng nổ sau này.

Công nghệ cao

Một xu hướng chung khác của các startup unicorn là mô hình kinh doanh của họ gắn liền với công nghệ. Uber tạo ra mô hình của họ bằng cách tạo ra một ứng dụng thân thiện. Airbnb thu nhỏ khoảng cách trên thế giới bằng cách tận dụng tối đa world wide web.

Một báo cáo gần đây cho thấy 87% sản phẩm của unicorn là phần mềm, 7% là phần cứng và 6% còn lại là các sản phẩm & dịch vụ khác.

Bạn sẽ quan tâm  Tài liệu Google Ads, Tự học Google Adwords 2020, Tại sao không?

>>> Xem thêm: Chiến lược marketing của Airbnb

Tập trung vào người tiêu dùng

62% unicorn là các công ty B2C. Mục tiêu của họ là đơn giản hóa, làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với người tiêu dùng và trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Giữ mọi thứ ở mức hợp lý là một điểm nhấn khác của những công ty khởi nghiệp này. Chẳng hạn, Spotify giúp mọi người nghe nhạc dễ dàng hơn với chi phí hợp lý.

Sở hữu tư nhân

Hầu hết các unicorn đều thuộc sở hữu tư nhân, điều này làm cho giá trị của chúng tăng lên khi một công ty lớn đầu tư vào nó.

Những quốc gia có nhiều công ty unicorn nhất thế giới

Theo CB Insights, tính đến tháng 2 năm 2021, thế giới có tổng 546 unicorn trong đó, có 29 decacorn (trị giá hơn 10 tỷ đô la) và một haocorn (có giá trị trên 100 tỷ đô la) với tổng giá trị lên tới 1.817 tỷ USD.

Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia có nhiều unicorn nhất trên thế giới, cụ thể:

Mỹ: Unicorn tại Mỹ là 256 chiếm hơn một nửa tổng số unicorn trên toàn thế giới. Trong đó, có đến 13 decacorn với mức định giá trên 10 tỷ USD.

Danh sách 13 decacorn tại Mỹ năm 2021Danh sách 13 decacorn tại Mỹ năm 2021

Trung Quốc: Đứng vị trí trong danh sách này là Trung Quốc với 122 unicorn. Đặc biệt, Bytedance là startup duy nhất trên thế giới (tính đến thời điểm hiện tại) trở thành một haocorn với giá trị lên đến 140 tỷ USD.

Bytedance hiện là haocorn duy nhất trên thế giới

Bytedance hiện là haocorn duy nhất trên thế giới

Ấn Độ: Đứng vị trí thứ 3 là Ấn Độ với 26 unicorn. Có thể kể đến một số unicorn nổi bật như One97 Communications (16 tỷ USD), BYJU’s (12 tỷ USD), OYO Rooms (7.7 tỷ USD),  Snapdeal (6.5 tỷ USD)

Anh: Với 26 unicorn, Anh đang đồng hạng với Ấn Độ. Một số unicorn nổi bật như Checkout.com (15 ỷ USD), Global Switch (11.08 tỷ USD), Deliveroo (7 tỷ USD) và Revolut (5.5 tỷ USD)

Đức: Là một trung tâm startup sôi động,  Đức hiện có 15 unicorn, trong đó nổi bật là Auto1 Group (3.54 tỷ USD), Otto Bock HealthCare (3.52 tỷ USD), N26 (3.5 tỷ USD), Celonis (2.5 tỷ USD)

Hàn Quốc: Một trong những nền kinh tế sôi động và nổi bật châu Á, không ngạc nhiên khi Hàn Quốc có đến 11 unicorn trong danh sách này. Một số tên tuổi đình đám như Coupang (9 tỷ USD), Krafton Game Union (5 tỷ USD), Yello Mobile (4 ty USD), Toss (2.6 tỷ USD)

Việt Nam hiện có hai kỳ lân công nghệ là VNG và VNPay. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nền kinh tế tăng trưởng ổn định và thị trường còn nhiều cơ hội để phát triển hãy cùng chờ đón sự xuất hiện của nhiều kỳ lân công nghệ hơn tại Việt Nam trong thời gian tới.

VNPay trở thành kỳ lân công nghệ thứ hai của Việt Nam sau VNG

VNPay trở thành kỳ lân công nghệ thứ hai của Việt Nam sau VNG. (Ảnh: seasia.co)

Kết

Unicorn là gì? Unicorn không chỉ là tên gọi của một loài sinh vật thần thoại, mà hiện đã trở nên phổ biến trong các cuộc thảo luận về kinh doanh và tài chính. Ngày nay, các công ty kỳ lân đã được công nhận và tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Điều này nói lên rằng, không phải mọi unicorn đều sẽ là một startup thành công. Mà điều quan trọng là bất kỳ một startup nào cũng không được “ngủ quên trên chiến thắng” sau khi đã đạt được cột mốc là trở thành một unicorn. Tất cả những thông tin quan trọng xoay quanh câu hỏi unicorn là gì đã được trình bày rõ ràng trong bài viết này. Hi vọng những thông tin này hữu ích với bạn. 

Lương Hạnh – EMG Online

Theo wiki, cbinsight

>> Có thể bạn quan tâm: Xu hướng quảng cáo OOH năm 2021: Sự trỗi dậy của “Outernet” media 

Bài viết liên quan

Kế hoạch marketing nước ép trái cây sinh tố hiệu quả
Cách đọc chỉ số quảng cáo Facebook - 1
Cách đọc chỉ số quảng cáo Facebook đơn giản CHI TIẾT
dmca-la-gi
DMCA là gì? Ảnh hưởng của DMCA đến doanh nghiệp như thế nào?
Open rate là gì
Open rate là gì? Top 8 cách tăng tỷ lệ open rate hiệu quả nhất
Khái niệm Emoji
Emoji là gì? Emoji gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến Content Marketing như thế nào?
Ltd là gì? Tất cả những câu hỏi bạn sẽ đặt xung quanh Ltd và câu trả lời
SEO mũ trắng là gì? 5 kỹ thuật giúp tăng gấp đôi Traffic cho website của bạn
Backlink là gì? Những cách thông minh để xây dựng backlink đến website doanh nghiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *